Với khả năng di chuyển cơ động, không gian rộng rãi và tính an toàn đều nhỉnh hơn xe sedan hay hatchback, các dòng xe gầm cao đa dụng bao gồm CUV và SUV ngày càng bán tốt. Xu hướng này đã xuất hiện trên thị trường ôtô thế giới vài năm qua và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cơ cấu chuyển dịch thể hiện rõ nét nhất giữa nhóm sedan hạng D và các mẫu SUV/CUV ở tầm tiền 900 triệu đến 1,3 tỷ. Năm 2019, doanh số của phân khúc sedan cỡ lớn sụt giảm mạnh, trái ngược với màu xanh tăng trưởng của nhóm xe gầm cao.
Sedan hạng D mất sức hút
Hiện chỉ còn 5 mẫu xe cạnh tranh với nhau cho miếng nhỏ nhoi của phân khúc sedan hạng D. Đó là Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord, Kia Optima và Volkswagen Passat. Mẫu xe Đức không công bố kết quả kinh doanh.
So với thời điểm cách đây 3-4 năm, phân khúc sedan hạng D nay đã thu hẹp đáng kể. Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2019, cả phân khúc sedan hạng D chỉ mới bán được 5.453 xe, chiếm khoảng 1,91% toàn thị trường xe du lịch. Kết quả này thấp hơn doanh số 6.967 chiếc của cùng kỳ 2018, mức giảm tương đương 21,73%.
Dù vẫn là ông vua doanh số phân khúc D nhưng Toyota Camry hiện tại giảm mạnh so với vài năm trước. Phiên bản Camry nâng cấp 2019 ra mắt từ đầu năm tính đến hết tháng 11 bán được gần 3.000 xe, trong khi model cũ cả năm 2018 bán được 4.503 chiếc.
Mazda6 dù thường xuyên được Thaco áp dụng ưu đãi nhưng doanh số cũng sụt giảm và không còn đủ sức cạnh tranh với Camry như trước. Lý do là vì model hiện hành vốn ra mắt từ 2017 và nhiều khách hàng đang chờ đợi thế hệ Mazda6 mới.
Mẫu sedan hạng D duy nhất có sự tăng trưởng trong năm 2019 là Kia Optima, nhờ phiên bản 2019 được giới thiệu vào tháng 4 và giá bán ngang ngửa xe hạng C. Tuy nhiên lượng xe bán bình quân mỗi tháng cũng chỉ ở mức trên dưới 70 xe.
Trường hợp của Honda Accord có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ngay chính các nhà sản xuất cũng không còn mặn mà với phân khúc xe hạng D tại Việt Nam. Accord thế hệ mới bỏ lỡ 3 quý đầu năm và chỉ mới quay lại cạnh tranh với các đối thủ kể từ Vietnam Motor Show 2019 vào cuối tháng 10.
Nhờ sức hút đối với xe mới, Accord 2019 có tháng 11 bán được 122 xe và vượt qua cả Mazda6. Tuy nhiên mẫu sedan đầu bảng của Honda được dự đoán sẽ không duy trì được doanh số tốt như hiện tại bởi giá bán cao nhất phân khúc và không quá nổi trội về trang bị, tính năng.
Xe gầm cao áp đảo cả về mẫu mã lẫn doanh số
Tỷ lệ áp đảo của xe gầm cao tại triển lãm ôtô Việt Nam 2019 là tấm gương phản chiếu thị yếu chuộng mua xe đa dụng của người dùng trong nước. Trải qua 11 tháng của năm 2019, nhiều mẫu xe SUV và CUV ở tầm giá 900 triệu đến 1,3 tỷ đã gặt hái được kết quả kinh doanh ấn tượng.
Kết thúc tháng 11, tính riêng nhóm SUV 7 chỗ đã có doanh số tăng vọt lên 20.395 xe trong khi cả năm 2018 con số chỉ là 11.255 chiếc. Dung lượng của nhóm xe thể thao đa dụng nay đã gấp 3,7 lần so với sedan hạng D.
Đóng góp lớn nhất vào cú hích này là Toyota Fortuner và Ford Everest với thị phần tương ứng trong phân khúc là 54,16% và 34,56%. Mitsubishi Pajero Sport cũng có sự tăng trưởng nhẹ, Chevrolet Trailblazer cùng Isuzu mu-X bán chậm lại nhưng nhìn chung 3 cái tên này có lượng xe bán ra không đáng kể. Riêng Nissan Terra không được công bố doanh số.
Dẫn đầu nhóm CUV cỡ trung là Honda CR-V với kỷ lục bán ra 12.263 xe sau 11 tháng của 2019. So với cùng kỳ năm trước tăng thêm đến 4.234 đơn vị và vượt mức 8.819 chiếc của cả năm 2018.
Doanh số xe CUV của Mazda Việt Nam vẫn đang ổn định ở mức hơn 11.000 xe sau tháng 11/2019. Dù CX-5 bán chậm lại chỉ còn gần 9.200 chiếc nhưng lượng xe giảm được bù đắp bởi CX-8 với hơn 2.100 chiếc.
Hyundai SantaFe 2019 kể từ khi ra mắt từ đầu năm đến nay đã bán được hơn 8.300 chiếc, trong khi thế hệ SantaFe cũ cả năm 2018 chỉ bán được 4.644 xe. Hyundai Tucson cũng tăng trưởng với lượng xe bán ra sau 11 tháng đạt 7.272 chiếc, cao hơn cả năm 6.938 xe của năm 2018.